Công thức cánh Lông_bay

Đo chiều dài của lông sơ cấp, một trong những bước để xác định công thức cánh.

Công thức cánh giúp mô tả hình dạng đầu tận của cánh chim theo một cách toán học. Công thức cánh có thể được ứng dụng để phân biệt các loài chim có bộ lông tương tự nhau, và do đó đặc biệt hữu dụng cho những người đeo vòng cho chim.[16]

Để xác định công thức cánh của chim, khoảng cách giữa đầu ngọn của lông sơ cấp xa nhất và đầu ngọn của lông phủ trên nó (tức là chiếc lông phủ lớn nhất và bảo vệ cuống của lông sơ cấp đang nói đến) sẽ được đo bằng milimét. Trong một số trường hợp, kết quả đo là một số dương (ví dụ, lông sơ cấp vượt ra ngoài chiếc lông phủ nó), một số trường hợp khác, kết quả là một số âm (ví dụ, lông sơ cấp lại được che hoàn toàn bởi chiếc lông phủ, giống như ở một số loài sẻ). Tiếp theo, tcó thể xác định lông sơ cấp dài nhất, và sẽ đo chênh lệch giữa chiều dài của lông vừa mới xác định với các lông sơ cấp còn lại, lông thứ cấp dài nhất cũng sẽ được so sánh; kết quả cũng được ghi bằng milimét. Nếu một lông sơ cấp nào đó có sự hiện diện của khía lông thì khía này cũng cần được quan tâm. Khoảng cách giữa đầu ngọn của lông và khía lông sẽ được đo lại, cũng như độ sâu của khía lông. Tất cả các phép đo khoảng cách trên đều được thực hiện khi cánh chim ở trạng thái gập, để đảm bảo vị trí tương đối của các lông.[59]

Kết quả các phép đo trên chịu ảnh hưởng nhiều bởi tác động của việc bỏ cũng như mọc lông mới; các loài khác xa nhau sẽ cho các kết quả đo khác nhau; nhưng thậm chí, ngay cả ở các loài có họ hàng rất gần gũi thì công thức cánh cũng có sự khác biệt rõ rệt.[16]